Những “hũ tiền” của Google năm 2015

Với 50 tỷ USD lợi nhuận năm 2014, Google vẫn là công cụ tìm kiếm thông dụng nhất thế giới. Thế nhưng, tham vọng của Google không chỉ dừng lại ở đó.

Hệ điều hành Android

Có thể nói Android là bộ phận bận rộn nhất của Google trong năm 2014. Hệ điều hành di động này hiện chiếm tới 80% thị phần smartphone toàn cầu.

Tháng 9/2014, Google ra mắt Android One nhằm đưa vào thị trường mới nổi những chiếc điện thoại Android giá rẻ nhưng chất lượng. Dự án này, ban đầu được thực hiện tại Ấn Độ, sẽ hướng dẫn nhà sản xuất thiết bị điều chỉnh phần cứng sao cho phù hợp nhất.

Tháng 12/2014, Google mở rộng dự án trên tới Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Mới đầu, Google định triển khai dự án tại Philippines, Indonesia… nhưng sau đó hoãn sang năm tới.

Tháng 11/2014, Google bắt đầu tung ra phiên bản Android Lollipop mới nhất và được xem là bản OS "lớn nhất và tham vọng nhất" từ trước tới nay.

Ngoài ra, Google cũng đầu tư khá nhiều cho các thiết bị đeo. Cùng với Glass, hãng này cũng tập trung cho Android Wear, một phiên bản sửa đổi của thiết bị đeo Android kiểu như đồng hồ thông minh. Sự chuẩn bị của Google không thừa vì dự kiến vào năm 2018, doanh số thiết bị đeo sẽ vượt qua con số 100 triệu thiết bị, tăng gấn 6 lần so với năm 2013 – dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường IDC.

YouTube

Google từng đầu tư rất nhiều vào nền tảng video trực tuyến YouTube, đặc biệt là phải tranh đấu để giữ vững vị trí top đầu của dịch vụ này nhất là khi các đối thủ như Facebook, Victorious định tạo ra dịch vụ tương tự.

Sự lao tâm khổ tứ đó cũng là điều dễ hiểu. YouTube hiện mỗi tháng có hơn 1 tỷ người xem. eMarketer từng dự đoán rằng doanh thu quảng cáo từ video trên YouTube riêng tại Mỹ sẽ đạt 1,13 tỷ USD vào cuối năm 2014.

Google muốn đổ thêm tiền vào YouTube. Trong thế giới quảng cáo, truyền hình thường là nơi các thương hiệu đổ tiền vào nhiều nhất. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi. Quảng cáo trên web được cho là sẽ "vượt mặt" quảng cáo trên truyền hình vào năm 2016, theo Công ty nghiên cứu thị trường Forrester tháng 11/2014.

Một số công ty công nghệ lớn đã tăng vốn đầu tư cho quảng cáo video trực tuyến. Tháng 11/2014, Yahoo mua lại công ty quảng cáo Brightroll với giá 640 triệu USD. AOL mua lại công ty quảng cáo video Adap.tv vào năm 2013.

Các nhà phân tích cho rằng Google sẽ hợp tác hơn nữa với các thương hiệu và đại lý quảng cáo lớn để mang quảng cáo lên YouTube. Tháng 2/2014, Google ký thỏa thuận với Magna Global, một trong những công ty mua quảng cáo lớn nhất thế giới. Thỏa thuận với Magna Global sẽ giúp mang lại cho Google khoảng 100 triệu USD tiền quảng cáo trên YouTube.

Trong động thái nhằm đẩy mạnh mảng quảng cáo trên YouTube, tháng 2/2014, Google đã đưa Susan Wojcicki, một trong những lãnh đạo đầu tiên và cao cấp nhất của Google sang phụ trách YouTube. Wojcicki từng có nhiều năm phụ trách toàn bộ hoạt động marketing của Google.

Google Glass

Đầu năm 2013, chiếc kính thông minh Google Glass đã ra mắt công chúng với số lượng hạn chế và mức giá không tưởng. Hậu quả là năm 2014, Google Glass gần như chìm trong quên lãng. Google muốn khơi dậy sản phẩm mà hãng đã bỏ ra nhiều công sức này. Trong năm nay, dự kiến có phiên bản tiêu dùng của Google Glass với mức giá bình dân hơn.

Lần đầu được tiết lộ vào năm 2012, Google Glass đã tạo nên nhiều cao trào và kỳ vọng vào sự "lột xác" hoàn toàn trong cách thức giao tiếp, trao đổi thông tin giữa người với người, giữa người với máy tính và mạng thông tin. Tuy nhiên, ngay sau đó người ta trở lại với nỗi lo muôn thuở – sự riêng tư. Google Glass được trang bị camera, thiết bị ghi âm và từng bị rất nhiều rạp chiếu phim và quán bar tại Mỹ cấm mang vào.

Tuy vậy, sự hào hứng đối với Google Glass vẫn rất cao. Chiến lược của Google là đưa sản phẩm vào đời sống một cách từ từ và người đầu tiên sở hữu thiết bị này được gọi là "người khai phá".

Hiện vẫn chưa rõ Google Glass sẽ có chức năng gì mới. Một số nhà phân tích hy vọng mức giá sẽ thấp hơn 1.500 USD. Các chuyên gia khác thì cho rằng sản phẩm sẽ tốt hơn trước đây.

Bùi Hà